Tin tức

Verona – Thành phố của tình yêu

Là một thành phố nhỏ với khoảng 300.000 dân, nhưng sức hút của Verona đối với khách du lịch từ khắp nơi trên thế giới chưa bao giờ giảm, thậm chí du lịch trở thành một trong những nguồn thu lớn nhất của thành phố. Điều đáng nói là Verona không thu hút khách du lịch bằng những danh thắng lịch sử thừa hưởng từ quá khứ như nhà thờ Duomo 600 tuổi ở Milan, hay đấu trường La Mã Colosseum gần 2000 năm tuổi ở Rome… mà là bằng cách biến “những câu chuyện không thật” thành “những biểu tượng có thật”. Thế nên, các bạn hãy đến Verona một lần để xem họ đã làm như thế nào để xây dựng và thổi hồn vào thành phố tình yêu này.

Đấu trường La Mã (Roman Arena)

Vừa bước ra khỏi nhà ga chính của Verona, bạn có thể mua vé xe bus (3euro) để đi vào trung tâm thành phố. Thật ra nếu có thời gian, bạn có thể đi bộ khoảng 20 – 30 phút thì có thể đến trung tâm thành phố. Ở châu Âu, việc đi bộ là rất phổ biến.

Đón chào bạn ở trung tâm thành phố là đấu trường Đấu trường La Mã. Được xây dựng từ thế kỷ I sau công nguyên, trải qua trận động đất kinh hoàng vào thế kỷ XII khiến cho đấu trường chỉ còn 2 tầng so với phiên bản gốc 3 tầng, đấu trường La Mã Verona là một trong những công trình được bảo tồn tốt nhất về kiến trúc và vẫn đang được sử dụng cho đến ngày nay ở Châu Âu. Mỗi lần nhìn ngắm đấu trường Verona, người Ý vẫn tiếc nuối mà tự hỏi rằng tại sao đấu trường La Mã Verona lại xây trên lãnh thổ nước Ý – nơi đã quá nổi tiếng với Đấu trường Colosseum tại Rome, khiến cho vẻ đẹp và vị thế của nó trong giới du lịch lại bị khuất lấp như hiện nay. Không rõ từ khi nào, nơi đây đã trở thành “nhà hát ngoài trời” để tổ chức những buổi đại hoà nhạc với sức chứa lên tới 15.000 khán thính giả, nhất là những lễ hội âm nhạc liên quan đến chủ đề tình yêu nhằm thổi hồn và đánh bóng cho nickname “thành phố tình yêu” của Verona. Bằng cách này, hàng năm Verona thu lợi từ hàng trăm ngàn du khách ở khắp mọi miền, mặc dù họ đến đây chỉ để thưởng thức âm nhạc. 

Đấu trường La Mã Verona

Juliet’s house – Ngôi nhà của nàng Juliet (Casa di Giulietta)

Tuy nhiên, địa điểm mà hầu hết du khách đến Verona muốn ghé thăm nhất không phải là đấu trường Verona mà chính là “Ngôi nhà của nàng Juliet” với chiếc ban công minh chứng cho tình yêu của chàng Romeo và nàng Juliet. Khi đến với Juliet’s house, các bạn sẽ được nghe những câu chuyện rằng nhân vật của đại danh hào Shakespeare từng sống tại đây, rằng Shakespeare đã viết chuyện tình Romeo và Juliet với bối cảnh ở Verona, rằng Juliet đã gửi đi lá thư tình yêu của nàng từ thùng thư trước nhà nàng…. Rất rất nhiều những câu chuyện hấp dẫn xoay quanh câu chuyện tình yêu của chàng Romeo và nàng Juliet được gắn kết một cách khéo léo với “ngôi nhà của nàng Juliet”. Thực tế, ngôi nhà được xây dựng từ thế kỷ XII, thuộc sở hữu của gia đình Capello – một cái họ nghe có vẻ gần giống với tên dòng họ Capuletti trong truyện của Shakespeare. Ngôi nhà này không có gì khác với những ngôi nhà bình thường ở Ý. Kể từ năm 1667, ngôi nhà được bán cho gia đình Rissardi và trở thành khách sạn. Shakespeare viết tác phẩm Romeo and Juliet vào cuối những năm 1500 và bắt đầu nổi tiếng vào thời điểm này. Để thu hút thêm khách du lich, chủ nhân của ngôi nhà đã kể với họ rằng nhân vật của Shakespeare từng sống tại đây. Những câu chuyện như thế cứ lan truyền và có sức mạnh đến nỗi năm 1907, chính quyền thành phố đã mua lại ngôi nhà để thành lập viện bảo tàng. Tuy nhiên “Ngôi nhà của nàng Juliet” chỉ thật sự có sức sống khi bộ phim Romeo và Juliet của đạo diễn George Cukor trở nên nổi tiếng vào năm 1936. Lúc này, chính quyền thành phố đã nhanh chóng phục hồi và tu sửa bảo tàng để đưa vào phục vụ khách tham quan. Giá vé để vào thăm Juliet’s house là 6 Euro/vé; Giá đặc biệt cho Chủ nhật đầu tiên trong tháng là 1 Euro.

Ban công nhà nàng Juliet – chiếc ban công được xây thêm vào những năm 1930 với lời truyền rằng những ai yêu nhau nếu họ hôn nhau tại đây thì không gì có thể chia cắt họ.

Dưới ban công là bức tượng nàng Juliet bằng đồng

Các cặp đôi đến đây còn được thoả sức lưu lại kỷ niệm và cầu chúc cho tình yêu của họ bằng những mẩu giấy nguyện cầu, đính lên bức tường tình yêu ngay cổng ra vào. 

Thậm chí, nếu bạn muốn gửi thư cho nàng Juliet bạn cũng có thể sử dụng một trong những chiếc máy tính trên tầng hai để gửi email. Có một nhân viên được gọi là thư ký của nàng Juliet sẽ trả lời lá thư của bạn, nếu như bạn đủ may mắn. Thậm chí nơi đây còn là có cả dịch vụ tổ chức hôn lễ cho các cặp đôi, dĩ nhiên với một mức giá không rẻ.

Thành phố Verona không thiếu những công trình kiến trúc cổ như chiếc cổng Portoni della Bra, Cửa Ô Porta Leoni hay những quảng trường lớn như Centro Storico di Verona. Nhưng rõ ràng, trái tim của Verona chính là “Ngôi nhà của nàng Juliet” mà nhịp đập của nó chính là những câu chuyện không thật xung quanh câu chuyện tình bi thương giữa nàng Juliet và chàng Romeo. Không ít nơi trên thế giới đã và đang thành công với chiến thuật này để phát triển công nghiệp du lịch và Verona là một trong những nơi như thế.

Cổng Portoni della Bra, lối vào chính của thành phố.

Những bức tường trên các toà nhà ở Quảng trường Erbe (Piazza delle Erbe)

Quảng trường trung tâm thành phố

Những biểu tượng tình yêu được xây dựng dọc đường đến nhà Juliet

Chính từ câu nói này của Shakepeare mà người ta tin rằng ông đã lấy bối cảnh ở Verona để viết nên tác phẩm.