Báo cáo mới nhất của Ngân hàng trung ương Italia (Bankitalia) cho thấy, nợ công của Italia thời gian qua đã tăng thêm 10 tỷ euro, lên tới 2.195 tỷ euro, mức cao kỷ lục chưa từng có từ trước tới nay, tương đương với 133% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Số nợ công khổng lồ này đẩy Italia lên vị trí quốc gia có mức nợ công so với GDP cao thứ hai trong khối các nước dùng đồng tiền chung Châu Âu, sau Hy Lạp. Mức nợ kỷ lục là một thực tế đáng lo ngại bất chấp thời gian qua nội các Italia đã nỗ lực triển khai kế hoạch cải cách kinh tế nhằm đưa nước này thoát khỏi tình trạng yếu kém kéo dài.
|
Nền kinh tế Italia đang đứng trước viễn cảnh không mấy sáng sủa. |
Theo tính toán của một số nhà phân tích, trong thời gian 7 năm khủng hoảng kinh tế, từ 2007 đến 2014, GDP Italia đã giảm 12,5%, thu nhập của các gia đình giảm 14,1% và mức chi tiêu giảm 11,3%. Để nền kinh tế phục hồi như mức trước 2007, năm bắt đầu xảy ra cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng nhất kể từ sau Thế chiến thứ hai, với mức độ tăng trưởng GDP hiện tại, Italia phải đợi đến năm 2027. Và phải đến năm 2030, mức chi tiêu của các gia đình Italia và đến năm 2034, thu nhập bình quân mới trở lại mức trước khủng hoảng. Những con số “biết nói” như vậy không có nghĩa tiến trình cải cách của Chính phủ do Thủ tướng M.Renzi đứng đầu không mang lại những thay đổi tích cực.
Trên thực tế, quý I vừa qua, quê hương của Tháp nghiêng nổi tiếng đã thoát khỏi tình trạng suy thoái kinh tế kéo dài suốt 4 năm nay. Thế nhưng, mức tăng trưởng GDP chỉ khiêm tốn với mức 0,3% so với quý cuối cùng của năm 2014 là con số vô cùng mong manh. Hay nói cách khác, những gì mà Chính phủ của ông M.Renzi làm được vẫn còn quá ít so với những gì đất nước đòi hỏi, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế lớn thứ ba của Khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone) đang có nguy cơ phải đương đầu với nhiều thách thức nặng nề.
Đầu tiên phải kể đến là những ảnh hưởng dây chuyền từ cuộc khủng hoảng tại Hy Lạp. Nguy cơ xứ sở các vị Thần ra khỏi Eurozone do bế tắc trong cuộc đàm phán với các chủ nợ đang khiến nhiều nền kinh tế tại Lục địa già chao đảo, trong đó các quốc gia được xếp vào hàng “mắt xích yếu” của khu vực như Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Italia sẽ phải hứng chịu tác động nặng nề nhất.
Bên cạnh đó, “cuộc chiến” thương mại Liên minh Châu Âu – Nga liên quan tới cuộc khủng hoảng tại Ukraine cũng đẩy Italia vào “thế kẹt”. Trong suốt nhiều thập kỷ, Nga và Italia có mối quan hệ thương mại nồng ấm.
Giới nhà giàu Nga từng là khách “sộp” của các show diễn thời trang ở Milan và việc xuất khẩu nhiều mặt hàng đặc sản như pho mát và giăm bông sang Nga giữ vai trò quan trọng cho nền kinh tế Italia. Nhưng tất cả đã bị đảo lộn trong năm 2014 khi cuộc khủng hoảng ở Ukraine đẩy quan hệ giữa Châu Âu và Nga xuống mức thấp nhất trong nhiều năm. Theo cơ quan thống kê Istat, kim ngạch xuất khẩu của nước này sang Nga đã giảm 29,4% trong 4 tháng đầu năm và dự báo sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới. Đây sẽ là một một cú giáng mạnh vào thành Rome khi người Italia muốn thoát khỏi bẫy suy thoái dài nhất trong lịch sử nước này.
Trên bình diện đối nội, mức nợ công tiếp tục tăng đang được các lực lượng đối lập khai thác như một thứ vũ khí để công kích các chính sách cải cách kinh tế của Thủ tướng M.Renzi và đảng Dân chủ (PD) cầm quyền. Ngoài ra, một loạt vụ bê bối liên quan đến giới chức ở thủ đô vốn là thành viên của PD cũng khiến đảng này và bản thân Thủ tướng M.Renzi phải hứng chịu “búa rìu” dư luận. Hậu quả, trong cuộc bầu cử địa phương mới đây, đảng PD đã thất bại khi để mất ghế thị trưởng ở một loạt thành phố, trong đó có nhiều thành phố từng được coi là “thành trì” của phe trung tả.
Các cuộc thăm dò dư luận mới nhất cũng cho thấy uy tín của Thủ tướng M.Renzi và Chính phủ tiếp tục lao dốc trong thời gian qua. Tỷ lệ ủng hộ Thủ tướng M.Renzi đã giảm xuống còn 33%, tỷ lệ ủng hộ Chính phủ còn 27% và PD là 35,6%. Do đó, những tháng tới đây sẽ là quãng thời gian hết sức khó khăn không chỉ với cá nhân Thủ tướng M.Renzi mà còn với toàn bộ nội các và đảng cầm quyền.