Tôi biết đến Positano và Bờ biển Amalfi (Costiera Amalfitana) theo một cách khác: một bộ phim lãng mạn với một trường đoạn tình yêu đẹp đúng kiểu Italy với kết cục buồn. Nhưng Positano cũng như những thành phố chạy dọc bờ biển miền nam Italy, từ Salerno, qua Positano đến Sorrento, chẳng bao giờ đem lại nỗi buồn và sự cô đơn cho bất cứ ai.
Khách sạn cũ kĩ mà tôi ở nằm trên một vách núi đá ngay sát bờ biển. Ban công chìa ra như một cánh tay mời gọi và chỉ cần mở ri đô và hai cửa gỗ sơn trắng là biển tràn vào một cách dữ dội trong phòng. Đấy là một đêm trăng tròn tháng 6 trên vịnh Salerno. Ánh trăng lung linh trải dài trên mặt nước trước mặt. Tiếng sóng ầm ỳ trong tiếng gió đập vào những vách núi đá cao vút phía sau. Những ánh sáng đèn rạo rực từ Praiano gần đó trông như ánh đèn pha của một con tàu khổng lồ vừa nhô mũi ra khỏi cửa biển. Tiếng gió rì rào rung những cành lá và bật tung bay những tấm che cửa sổ màu trắng mà chắc là ở trong đó nhìn ra, biết bao con mắt đang ngắm biển đêm. Một con tàu vẽ ra một vạch nước dài trắng lấp lánh cắt ngang mặt biển.
Con đường ngoằn nghèo chạy phía dưới những hàng cây dọc bờ biển như một sợi dây nối liền giữa những thế giới: thế giới của biển và trời mà màu xanh ngát không một chút gợn mây của Địa Trung Hải hòa vào làm một khiến đôi khi không thể phát hiện được đâu là đường chân trời, thế giới của núi mà vách đá dựng đứng và thế giới của những thành phố nhỏ trên triền núi chạy sát ra phía biển trên một chiều dài hơn 50 cây số của bán đảo Sorrento, vốn được gọi là Bờ biển Amalfi (Costiera Amalfitana). Đấy là bờ biển không bao giờ ngủ như những bãi cát ngàn năm sóng vỗ, mà những buổi bình minh và hoàng hôn làm cho nó giống như thiên đường.
Không có gì ngạc nhiên khi người ta gọi đó là bờ biển đẹp nhất của nước Italy. Cái nhất ấy không phải qua bất cứ cuộc bình chọn nào hết, mà vì thơ ca và âm nhạc đã đưa bờ biển Amalfi vào thế giới của sự lãng mạn. Nhưng cũng không cần đến thơ ca nhạc họa nào để thể hiện điều ấy: bất cứ ai đứng trước biển và ngắm nhìn một màu xanh mát mắt đến tận chân trời, những mái nhà chạy từ trên núi ra biển, những ban công rực một màu hoa giấy, đều có thể trở thành thi ca.
Màu xanh trở thành một ấn tượng rõ rệt không bao giờ có thể phai mờ trong tâm trí những ai đã đi qua chặng đường ngoằn ngoèo và hẹp chỉ đủ hai làn xe uốn theo những triền núi dọc bờ biển với hàng trăm khúc cua gấp, đã dừng lại ở những thành phố nhỏ trên con đường ấy, hoặc đã tắm trong làn nước mát ở những bãi tắm được cho là đẹp nhất Italy.
Sorrento là thành phố lớn nhất của bán đảo mang tên nó. Bài hát bất hủ mà anh em De Curtis viết ra mang tựa đề “Trở về Sorriento” đã nhắc đến biển như một điều gợi cảm hứng ngọt ngào yêu đương “Hãy nhìn biển đẹp biết bao, gợi nên bao tình cảm thiết tha” (Vide mare quant’ è bello, sprira tanto sentimento). Bài hát ấy ra đời cách đây hơn một thế kỉ. Ngày ấy, Sorrento cũng như Positano vẫn còn nguyên sơ, nghèo nàn và có lẽ, không giống như một bảng màu sắc rực rỡ và đầy thơ mộng như bây giờ.
Nhưng Sorrento khó gợi những cảm xúc choáng ngợp trước vẻ đẹp của trời, biển và những ngôi nhà trông cứ như những đồ chơi xếp hình chạy lô xô ở chân núi tít lên phía trên những vách đá, những con phố nhỏ xíu và dốc chạy một chiều uốn quanh những ngôi nhà sơn trắng như ở Positano. Positano có màu vàng của chanh, thứ đặc sản nổi tiếng mà chỉ bán đảo Sorrento mới có cùng những sản phẩm từ chanh như nước hoa, nước chanh lên men (limoncello) và nến; màu đỏ và tím của những giàn hoa giấy được uốn công phu trên những bức tường, những cổng nhà hay ban công; màu trắng của biệt thự và khách sạn mà một thời những nhân vật nổi tiếng như Jacqueline Kennedy, Rudolf Nureyev, Frank Sinatra, Gore Vidal, The Platters hay ban nhạc Rolling Stones đã ghé qua (Mick Jagger và Keith Richards đã viết “Midnight Ramblers” vào năm 1969 trong một quán cà phê ở Positano); và bao trùm lên tất cả, màu xanh thăm thẳm.
Không thể không cảm thấy xúc động sâu lắng khi nghe một đôi uyên ương đi ngang qua trên con phố hẹp Positano, chàng trai ngân lên bài “Azzurro” (màu xanh nước biển) của Adriano Celentano, về một chàng trai hối hả lên tàu để bắt kịp người yêu đã đi nghỉ mát: “Màu xanh, buổi trưa quá xanh đối với anh/Anh nhận ra mình không còn chút sức sống khi không có em ở bên/Anh nhảy lên tàu và hướng về phía em”.
Sức hấp dẫn của thành phố nhỏ bé ấy lớn một cách kỳ lạ. Và nếu Celentano đã hát như thế những năm 1960, thì những tâm hồn của người nghệ sĩ đã nhận ra vẻ đẹp của thành phố có lẽ chỉ sau một cái nhìn. Hàng trăm nghìn du khách đến đây mỗi năm chỉ vì cái nhìn ấy, và họ không bao giờ thất vọng, vì chỉ những chi tiết nhỏ của thành phố cũng đủ để nó đi vào thơ ca, chẳng hạn một nóc nhà thờ, một tháp canh nhỏ bên bờ biển có từ 6 thế kỉ trước, hay những biển số nhà bằng gốm hết sức độc đáo.
Positano từng là một làng chài nghèo khó đầu thế kỉ 20 và chỉ đến những năm 1950, khi nhà văn Mỹ John Steinbeck viết một bài báo về nó trong tạp chí Harper’s Bazaar vào năm 1953, Positano (và sau đó, Sorrento cũng như đảo Capri) được cả thế giới biết đến. Ông viết: “Positano là một giấc mơ không có thật ngay cả khi bạn đang có mặt ở đó và nó bỗng nhiên trở nên có thật ngay khi bạn vừa mới bước chân đi”. Những người già của thành phố có thể kể cho chúng ta nghe những câu chuyện về các nàng tiên cá vẫn hay hiện lên ở ngoài khơi Positano, giữa làn nước xanh biếc trong những đêm trăng sáng để quyến rũ các thủy thủ trên con tàu của chàng Ulysse trong tác phẩm “Odissey”. Nếu thần thoại Hy Lạp có nhắc đến những cô gái nửa người nửa cá ấy thì vùng biển ấy chắc chắn là Positano.
Những câu chuyện cổ tích chỉ để làm tăng thêm sự hấp dẫn của một vùng đất kỳ lạ, mà cách đó hơn 60 cây số là một thế giới khác, nhếch nhác, hỗn loạn, trộm cướp và camorra (mafia Napoli). Positano không biết đến những điều ấy. Những hình ảnh đẹp đẽ của nó phát đi khắp nơi trên thế giới vẫn ngày ngày thu hút rất nhiều du khách ghé qua và thể hiện tình yêu của họ đối với trời và biển.
Nhưng những bộ phim lãng mạn Hollywood lại chỉ tìm kiếm ở nơi đây khung cảnh trữ tình để làm nổi bật lên những góc khuất của tình yêu. Trong “Only You” (1994), cô Faith mơ mộng (Marisa Tomei) đi tìm người tình trong mộng có tên Damon Bradley trên đất Ý, chạy theo hình bóng của anh ta khắp nơi, từ xứ Umbria, qua Roma, cuối cùng tìm thấy anh ta trên khách sạn nổi tiếng Le Sirenuse ở Positano và vỡ mộng khi biết đấy chỉ là một gã trai lơ lừa tình.
Trong “Under the Tuscan Sun” (2003), Frances (Diane Lane) được Marcello (Raoul Bova) đưa đến Positano, trên con đường dọc bờ biển, bằng chiếc xe mui trần của anh. Người phụ nữ Mỹ nghĩ rằng, đấy là sự khởi đầu mới trên đất Italy sau cuộc li dị. Ngày trở lại Positano, cô đứng dưới ban công nhà anh trong ánh hoàng hôn, xa xa là cảnh thành phố thanh bình và yên ả chứng kiến một câu chuyện tình. Cô háo hức gọi và sụp đổ khi thấy anh chàng điển trai người Italy đã có một cô gái khác đang đứng trên ban công chờ chàng…
Người ta nói rằng, người Italy không tồn tại, và những ai nghĩ mình là người Italy thì bao giờ cũng lồng vào đó nơi sinh ra. Không có người Italy, chỉ có những người sinh ra ở miền bắc giàu có hay miền nam nghèo khó. Sinh ra ở Torino hay Palermo tự thân nó đã nói lên quá nhiều điều. Nhưng còn những người Positano nghĩ gì khi ai đó gán cho thành phố của họ biệt danh “tim vỡ”, vì dường như vẻ đẹp của thiên nhiên đất trời ấy không nhanh biến đổi như lòng người?
Đêm Positano chỉ còn tiếng sóng. Những ánh đèn từ các quán cà phê bên lan can nhìn xuống phía biển hắt ra sáng lấp lánh. Những con đường dốc dẫn đến nhà thờ Santa Maria Assunta ở trung tâm thành phố chìm trong những mảng sáng tối. Ánh trăng rọi qua những kẽ lá hoa giấy đỏ rực của một khoảnh sân thượng khách sạn. Biển vẫn ỳ oạp ở phía dưới, những chiếc xe đi chơi đêm vẫn loang loáng chạy qua trên con đường, và xa kia, Positano rực rỡ ánh đèn như một viên ngọc. Tôi biết, thể nào cũng có ngày tôi trở lại….