Italia là đất nước có vẻ đẹp rạng rỡ. Người Italia ăn mừng Giáng sinh và năm mới bằng cách trang hoàng tráng lệ. Hàng năm có hàng trăm lễ hội được tổ chức ở gần như tất cả các thị trấn ở Italia. Lễ kỷ niệm, lễ hội, và những bữa tiệc bên đường phố là một phần trong cuộc sống của người Italia. Có rất nhiều trò chơi và các hoạt động khác nhau trong ngày hội như ẩm thực, nếm rượu, nhạc Jazz, bóng đá, tất cả đều là những phần không thể thiếu trong những lễ hội. Italia cũng là quốc gia tổ chức đăng cai một số những sự kiện quốc tế quan trọng như liên hoan phim, khiêu vũ và nghệ thuật.
Các lễ hội tươi sáng và đầy màu sắc tại Italia diễn ra quanh năm, thu hút một số lượng đáng kể các khách du lịch. Thậm chí họ cũng tham gia sâu trong nhiều màu sắc của không khí lễ hội. Lễ hội là một cách để phù hợp với văn hóa Italia.
– Các ngày nghỉ, lễ tết
Giáng sinh, năm mới và ngày lễ phục sinh
6/1: Ngày chúa Giê su hiển linh
25/4: Ngày giải phóng
1/5 – Quốc tế lao động
1/11 – Ngày của thánh
8/12 – Ngày của sự tinh khiết (Đức bà Mari)
26/12 – Ngày tặng quà
– “Lễ phục sinh lạnh” tại Italia
Đối với người theo đạo Thiên Chúa, Lễ phục sinh là một trong những ngày lễ quan trọng nhất trong năm cùng với Ngày Chúa giáng sinh (24-12). Lễ phục sinh thường diễn ra vào tháng 3 hay tháng 4 hằng năm nhằm tưởng niệm sự kiện Chúa Jesus sống lại sau khi bị đóng đinh trên thập giá.
– Lễ Giáng sinh
Ở Italia, gia đình quây quần bên nhau là chuyện thường diễn ra, nhưng tụ họp gia đình có một Italia nghĩa rất đặc biệt trong mùa Giáng sinh và Phục sinh. Các cửa hiệu được trang hoàng bằng những dây đèn, các nhóm “mục đồng” chơi kèn túi, những người bán dạo bán những bịch hạt rẻ rang nóng hổi.
Trong nhà, các gia đình làm những mô hình Chúa Giáng sinhthu nhỏ bày ở nơi trang trọng nhất trong phòng khách. Các hình người ăn mặc theo trang phục truyền thống Italia và khung cảnh cũng mang vẻ Italia hơn là ở Bethlehem, nơi Chúa Jesus ra đời. Cho dù gia đình có nghèo đến mấy đi nữa, thì mô hình này cũng có thể được làm từ những chất liệu rẻ tiền như giấy, đất xét và đá.
Giống như nhiều nước phương Tây, người Italia ngày nay thường kỷ niệm lễ Giáng sinh bằng cách dựng một cây thông trong nhà. Họ cũng đốt một khúc củi Noel được gọi là ceppo mỗi đêm và những đứa trẻ theo truyền thống được nhận những món quà vào ngày Giáng sinh và ngày 6 tháng Giêng, ngày Lễ Hiển linh. Lần tặng quà thứ hai được coi là của ông tiên nhân hậu Befana. Tất nhiên, những món quà đẹp chỉ dành cho những đứa trẻ ngoan, còn những đứa hư chỉ được nhận than và tro.
Những người ở xa luôn quay về với gia đình vào ngày lễ Giáng sinh. Vào Đêm Vọng Giáng sinh, đại gia đình (đôi khi số lượng có thể lên tới 70-80 người) cùng tham dự một bữa đại tiệc, mà các món chính là cá, trong đó lươn là món quan trọng nhất. (Trong mùa Giáng sinh, các chợ cá thường bày ngoài đường từng thùng lươn sống để lôi kéo khách hàng).
Suốt bữa tiệc, lũ trẻ hát những bài hát Giáng sinh và được người lớn vỗ tay khen ngợi hay thưởng tiền. Sau bữa tiệc, cả nhà chơi một trò chơi cổ, tương tự như trò bingo (một kiểu bài bạc), cuối cùng, tất cả tham dự thánh lễ lúc nửa đêm.
Cả gia đình lại tụ tập vào ngày hôm sau, sau một thành lễ khác, để ăn bữa tiệc trưa Giáng sinh, thường bắt đầu bằng món bột nhào thập cẩm ăn với nước dùng. Tiếp đó, là món gà Tây hay gà trống thiến béo ngậy, và kết thúc là món tráng miệng truyến thống của địa phương. Người Italia thích ăn món bành xốp panettone trong lễ Giáng sinh. Món panettone đặc trung được làm từ nho khô và các loại hoa quả tẩm đường, nhưng mỗi địa phương có một cách làm riêng. Một số được phủ một lớp Chocolate, số khác là hạnh nhân rang.
Mặc dù bữa ăn trước Giáng sinh và bữa trua Giáng sinh đều có thể gọi là những bữa đại tiệc, nhưng ở miền Nam, bữa tiệc ngày 24 trọng thể hơn, nhược lại với người miền Bắc. Nhiều gia đình người miền Nam ăn bữa trưa Giáng sinh chỉ với duy nhất một món cá. Một số khác làm khoảng 8-9 món nhưng cũng có những gia đình làm tới 13 hoặc 24 món.
CÁC LỄ HỘI ĐẶC BIỆT TẠI ITALIA
– Lễ hội hóa trang độc đáo ở ‘thành phố tình yêu’ Venice
Mỗi năm một lần, người dân thành phố Venice cũng như khách du lịch Ýtrên toàn thế giới lại nô nức chờ đón lễ hội hóa trang với những chiếc mặt nạ lộng lẫy, những bộ trang phục độc đáo và tiếng nhạc không ngừng từ những ban nhạc ngoài trời trên khắp các ngả đường của thành Venice. Bắt đầu được tổ chức từ những năm đầu thế kỉ 13 nhưng lễ hội độc đáo ở Ýnày chỉ thực sự trở nên nổi tiếng và quy mô vào thế kỉ 16. Diễn ra vào dịp tháng Hai hàng năm, lễ hội đặc sắc ở Ý này đã mang đến cho thành phố Venice một điểm du lịch nổi tiếng ở Ý những khoảnh khắc hết sức nhộn nhịp và huyên náo.
Bức tranh Venice mùa lễ hội sẽ bị khiếm khuyết nếu vắng bóng những người dân địa phương tranh thủ bán loại rượu vang Chianti. Họ cập bến bên dòng kênh đào chính của thành phố và các bạn trẻ cùng nhau nhấm nháp đặc sản thành Venice chờ đón mặt trời mọc. Lễ hội Carnival Venice năm nay sẽ diễn ra từ 26 tháng 2 đến 8 tháng 3. Du khách có thể mua cho mình những chiếc mặt nạ và thuê những bộ đồ hóa trang để chính mình cũng sẽ là nghệ sĩ hòa mình vào một lễ hội danh tiếng nơi vùng đất lãng mạn này.
– Lễ hội Thánh Rắn kỳ lạ ở nước Ý Hàng năm,
Vào đầu tháng 5 tại làng Cocullo nước Ý lại diễn ra lễ hội Thánh rắn vô cùng kỳ lạ. Lễ hội được tổ chức để tưởng nhớ đến Thánh Dominico, người đã cứu rất nhiều người khỏi bị rắn cắn, và được người dân nơi đây mệnh danh là Thánh Rắn.
Trong lễ hội, bạn sẽ bắt gặp hình ảnh người dân cầm những con rắn hoặc để chúng quấn quanh cổ. Cảnh tượng này có vẻ đáng sợ và làm không ít những du khách chứng kiến phải ngạc nhiên. Tuy nhiên, đối với người dân Cocullo thì những con rắn này rất thân thiện. Chúng là loài rắn không độc, trước khi đưa vào lễ hội đã được cắt răng nanh và nuôi dưỡng cẩn thận.
Nghi thức quan trọng nhất của lễ hội là rước tượng Thánh Dominico được phủ đầy rắn đi khắp làng, qua những thung lũng và quảng trường. Người dân Cocullo quan niệm rằng rước thánh Rắn khắp thị trấn sẽ giúp họ tăng khả năng miễn dịch với nọc độc rắn cắn trong cả năm sắp tới, cho tới mùa lễ Thánh Rắn năm sau. Khi lễ rước kết thúc, người dân và du khách sẽ được chứng kiến môt màn pháo hoa rực rỡ và đẹp mắt.
Lễ hội Thánh Rắn sẽ là dịp thích hợp cho những ai muốn khám phá văn hóa truyền thống độc đáo tại nước Ý, tuy nhiên nếu là người không thoải mái với rắn thì lời khuyên dành cho bạn là chứng kiến lễ hội từ xa như ở quảng trường hoặc trên ban công của các tòa nhà.
– Lễ hội ném cam tại Ý
Lễ hội Ivrea là một trong những lễ hội truyền thống nổi tiếng nhất ở đất nước hình chiếc ủng. Lễ hội, diễn ra từ ngày 2 đến mùng 5 tháng 2 hàng năm, độc đáo và thú vị, giống như một trận chiến thực thụ. Toàn bộ chiến binh lâm trận đều chiến đấu hăng say. Vũ khí của họ chính là những quả cam chín đỏ. Lễ hội ném cam này tái hiện một cuộc chiến có thật vào năm 1194, khi cô con gái tên Violetta của ông chủ cối xay đứng lên chống lại một tên bá tước hung bạo, dẫn đến cuộc nổi dậy. Người dân vùng Ivrea và các khách du lịch trong và ngoài đất nước hình chiếc ủng tham gia lễ hội một cách say mê không chỉ vì không khí náo nhiệt vui vẻ mà còn chính vì ý nghĩa lịch sử đó.
Trong suốt thời gian diễn ra lễ hội, người tham gia chìm đắm trong hương vị những trái cam chín đỏ trong hàng ngàn thùng gỗ pha lẫn mùi rượu vang đỏ “Vin brulé” hăng hăng. Mọi người đi san sát bên nhau đổ về mọi hướng. Người chơi hội cũng có thể cưỡi ngựa lội trên thảm cam có khi dày đến hơn 20cm. Tiếng ngựa phi nước kiệu kéo theo các chiến binh của tên bạo chúa đội mũ và mặc áo giáp sắt, tiếng hô hào của những ngườâi nổi dậy và cả tiếng hò reo khi ông chủ cối xay trên xe ngựa chạy ngang qua tung hoa mimosa màu vàng và kẹo vào đám đông.
Ân tượng về lễ hội càng trở nên sắc nét hơn bởi vô vàn chiếc mũ màu đỏ khắp mọi nơi. Violetta và đám đông đội mũ dài màu đỏ tươi là biểu tượng của sự tự do. Vì vậy, người tham gia lễ hội không bị ném cam vào người khi đội chiếc mũ màu đỏ đó. Dẫu vậy, họ vẫn khó có thể tránh khỏi những trái cam, dù không bị ném trực tiếp. Thế nhưng để thực sự tham gia vào lễ hội và vui hết mình, người chơi cần phải bỏ mũ và nhảy vào vùng chiến. Họ có thể đóng vai giới quý tộc, đại điện cho những kẻ hung bạo ngồi trên những chiếc xe tải, đụng độ với người dân địa phương cũng như du khách của thành phố có từ thời Trung cổ này.
Cảnh kỳ thú nhất của lễ hội ném cam là lúc đi qua đoạn cầu cổ. Các đường phố nhỏ hẹp chất đầy cam nát cao đến nỗi thỉnh thoảng người ta phải dùng xe cán tuyết để dọn đường. Chỉ có duy nhất một tấm lưới nhỏ che chắn giữa vùng chiến sự, nếu muốn đi qua nó thì phải căn thời gian chuẩn, nếu không thì có thể sẽ bị dính rất nhiều “đạn cam”. Trước đây, cam được phép ném qua cả cửa sổ dẫu người dự lễ hội có đội mũ đỏ hay không, Nhưng do việc này có thể gây nguy hiểm nên ngày nay người tham gia chỉ được ném cam từ mặt đất vào xe ngựa hoặc xe tải và ngược lại.
Giống với các cuộc chiến thực sự, lễ hội ném cam này cũng không tránh khỏi cảnh thương tích. Mỗi dịp lễ hội, có tới hàng trăm nghìn người đổ về Ivrea và có tới cả trăm người bị thương. Thế nhưng, đây không phải là cuộc chiến, không phải bạo lực, mà là dịp mà người ta có thể giải tỏa căng thẳng, bạo lực trong lòng để sống vui vẻ hơn.
– Lễ hội đua thuyền St. Ranieri tại Pisa, Italia
Pisa, Italia là nơi tổ chức cuộc đua thuyền St. Ranieri vào ngày 17/6 hằng năm. Đây là hoạt động bày tỏ lòng biết ơn với các vị thần đã bao bọc và chở che cho Pisa.
Cuộc đua thuyền St. Ranieri diễn ra trên sông Arno. Các tay đua sẽ phải vượt qua quãng đường 1500 mét, với 4 thuyền đua có màu khác nhau và phải đi qua 4 quận của thành phố.
Mỗi một thuyền tham gia đua phải có 8 người chèo thuyền, trong đó có một người lái thuyền, và một người chèo chính – người này sẽ phụ trách việc cầm lá cờ chiến thắng khi kết thúc đường đua.
Đội chiến thắng sẽ nhận các loại phần thưởng khác nhau, thường là những con vật thật đặc biệt.
Có người nhận được một con bò đực, có người lại được một con cừu, một con lợn. Tuy nhiên những người thua cuộc cũng nhận được phần thưởng là một con gà trống hoặc một con ngỗng non. Lễ hội này được bắt nguồn từ thế kỉ thứ XII khi những cuộc tranh chấp giữa những người sống dưới nước và trên bờ diễn ra thường xuyên.
Những căn nhà dọc hai bên bờ sông Arno sẽ thay đổi để phù hợp với cuộc đua thuyền cũng như những gì mà người ta tin là thần hộ mệnh của Pisa vào ngày 16/06 – trước khi cuộc đua diễn ra 1 ngày. Những tòa nhà, những cây cầu và lan can dọc theo bờ sông được thắp sáng bằng khoảng 70.000 ngọn nến lớn nhỏ khác nhau. Trong khi đó có hàng nghìn chiếc phao được quẳng khắp dòng sông.
Những cây nến được thắp khắp các lan can và trên cửa sổ của những căn nhà quay mặt ra sông, trên những mái nhà cao nhất và các ban công có thiết kế lạ mắt. Hàng nghìn người tới tham dự đều cảm thấy ngạc nhiên với công trình xếp nến này của ban tổ chức.
4 chiếc thuyền đua được sơn và trang trí bằng 4 màu khác nhau. Mỗi chiếc là biểu tượng đặc trưng của một sự kiện lịch sử có liên quan đến các quận của thành phố Pisa.
Phần phía nam của thành phố là quận Saint Martin với màu trắng và đỏ, quận Saint Anthony với màu màu trắng và xanh lá. Phía bắc là 2 quận Saint Mary với màu trắng và xanh dương, quận Saint Francis chọn màu trắng và màu vàng.
Cuộc đua thuyền quan trọng sẽ diễn ra vào ngày 17/06. Khi đó những tay đua phải chèo một mạch không nghỉ qua sông Arno với quãng đường là 1.500 mét, bắt đầu với hướng ngược dòng sông và kết thúc tại Palazzo Medici. Có hai con đường để đi tới đích và người chèo chính phải định hướng cho toàn bộ đội đua của mình về đích nhanh nhất.
Chèo thuyền theo dòng nước ngược có thể làm cho các tay đua phải nỗ lực nhiều hơn và cũng nhanh mất sức hơn. Ở những khúc cua, cuộc đua càng trở nên khốc liệt vì vậy cơ hội thắng cuộc sẽ thuộc về đội nào khéo léo nhất.
Chiến thắng thuộc về đội có người chèo chính giật được ngọn cờ có tên là “paliotto”.Ba “paliotto” được đặt ở 3 nơi khác nhau. Trong đó có một lá cờ xanh dương, một là màu trắng và cuối cùng là cờ đỏ. Một cặp ngỗng non sẽ là giải thưởng cho tay chèo thuyền nào lấy được cả 3 ngọn cờ.
Việc giành những lá cờ này bắt nguồn từ lịch sử khi những thủy thủ Ý phải đấu tranh để giành lấy ngọn cờ từ tay binh lính hải quân Thổ Nhĩ Kì và nó được giữ ở Pisa cho đến ngày nay.
Lế hội này được tổ chức lần đầu tiên St. Ranieri vào năm 1718 nhưng nó không được chấp nhận cho đến tận năm 1737, lễ hội đua thuyền mới được tiếp tục tổ chức. St. Ranieri trở thành hoạt động văn hóa thường niên từ năm 1935.
– Lễ hội đua ngựa Palio – Italia
Thành phố Siena, Italia là nơi diễn ra một trong những ngày hội ấn tượng và được mong chờ nhất hành tinh — ngày hội đua ngựa Palio.
Bắt đầu từ năm 1644, ngày hội đua ngựa Palio được tổ chức hàng năm vào 2/7 và 16/8 giữa các quận của thành phố Siena nhằm tôn vinh Đức Mẹ đồng trinh. Cả thành phố có tất cả 17 quận nhưng sẽ chỉ có 10 quận được tham gia trong mỗi ngày hội, 7 quận chưa tham gia ngày hội trước và 3 quận may mắn sẽ tiếp tục tham gia. Mỗi quận tham gia với một ngựa và một người cưỡi.
Diễn ra tại Piazza de Campo — quảng trường trung tâm Siena, ngày hội Palio sẽ đưa bạn trở về thời trung cổ ở châu Âu với những kị sỹ ăn vận trang phục mang sắc màu và biểu tượng riêng của từng quận, cưỡi ngựa không thắng yên trên đường đua đầy cát bụi và sỏi đá. Trên đường đua, các kị sỹ có thể bị hất văng khỏi ngựa của mình, và chú ngựa nào cán đích trước tiên sẽ mang chiến thắng về cho quận đó. Nói một cách khác, người chiến thắng thực sự trong cuộc đua chính là các chú ngựa. Nhiệm vụ của các kị sỹ là bám chắc lưng ngựa và làm cho các chú ngựa khác tránh xa ngựa của mình.
Trước khi cuộc đua chính thức diễn ra vài ngày sẽ diễn ra 6 lần đua thử để ngựa quen với đường đua và đám đông. Lần đua thử đầu tiên diễn ra vào tối chọn ngựa (thường vào 29/06 hoặc 13/08) và lần cuối cùng diễn ra vào buổi sáng ngày đua chính thức. Những lần đua thử cũng thu hút sự chú ý của nhiều người.
Ngay từ sáng sớm, hàng ngàn người đã tập trung chật kín quảng trường Piazza để chứng kiến ngày hội có một không hai này. Trong ngày hội, trước khi diễn ra cuộc đua, mỗi quận sẽ có 17-18 người ăn vận trang phục thời trung cổ (ít hơn với những quận không tham gia) diễu hành xung quanh thành phố, và điểm đến cuối cùng là xung quanh quảng trường.
Cuộc đua chính thức diễn ra vào 7h hoặc 7h30 tối — một trong những đêm được mong chờ nhất của người dân thành phố Siena. Chỉ 3 vòng đua xung quanh quanh quảng trường, trong một thời gian rất ngắn nhưng la những giây phút căng thẳng, hồi hộp nhất và cuối cùng vỡ òa trong niềm vui chiến thắng.
Khi cuộc đua kết thúc, những người chiến thắng sẽ ùa vào đường đua, ôm hôn nhũng chú ngựa và những kị sỹ anh hùng của họ. Có những giọt nước mắt hạnh phúc lăn dài trên khuôn mặt, bao tháng ngày chuẩn bị cho những giây phút hạnh phúc ấy đã được đền bù xứng đáng.
Phần thưởng dành cho người thắng cuộc là một lá cờ Đức Mẹ với tên của người chiến thắng. Nhưng phần thưởng lớn nhất có lẽ là niềm hạnh phúc và vinh dự to lớn dành cho cả quận. Những bữa tiệc, những cuộc diễu hành khắp thành phố, ca hát, nhảy múa trong niềm hạnh phúc tột cùng diễn ra nhiều ngày sau đó.
Không chỉ là ngày hội lớn của riêng người dân Siena, Palio di Siena còn thu hút rất nhiều du khách từ khắp nơi trên nước Ý cũng như trên thế giới. Ai cũng mong muốn được một lần hòa mình trong bầu không khí sôi động của một trong những lễ hội độc đáo và hoành tráng nhất thế giới.